Lao tiết niệu

Tổng quan Lao tiết niệu

Bệnh lao thường được biết đến nhiều với tình trạng lao tại phổi. Tuy nhiên, có những dạng lao phát triển ở những vùng cơ quan khác nữa cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người bệnh, trong đó có bệnh lao tiết niệu. Căn bệnh này còn được xem là một hậu quả từ bệnh lao phổi hoặc lao thận gây ra và có khả năng sẽ tiếp tục lây lan sang vùng bàng quang và cả bộ phận sinh dục.

Bệnh lao tiết niệu (hay lao sinh dục) thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 - 50 và tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Khả năng trẻ em mắc bệnh lao tiết niệu là rất hiếm, bởi hầu hết bệnh nhân gặp phải tình trạng này thường sẽ có lao sơ nhiễm từ 5 - 15 năm rồi mới phát bệnh.

Bệnh lao tiết niệu

Bệnh lao tiết niệu

Việc chẩn đoán sớm bệnh lao tiết niệu thường khá khó khăn bởi những triệu chứng bệnh không đặc trưng vì vậy rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sinh dục khác. Tuy nhiên, nếu căn bệnh này không được điều trị kịp thời sẽ rất dễ gây ra các biến chứng nặng không chỉ ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe người bệnh hiện tại mà còn có nguy cơ khiến người bệnh không thể có con (vô sinh do biến chứng lao).


Nguyên nhân Lao tiết niệu

Nguyên nhân Chính gây ra bệnh lao tiết niệu là do vi khuẩn lao họ Mycobacterium tuberculosis, chúng là một trong những loài vi khuẩn lao gây hại nhiều nhất cho cơ thể con người với khả năng sinh tồn tốt trong mọi cơ thể. Tuy nhiên, loại vi khuẩn này thường phát triển thành bệnh khi cơ thể vật chủ gặp phải một số sự cố về sức khỏe hoặc đang có sự giảm sút hệ miễn dịch.

Vi khuẩn lao có thể tồn tại bên trong cơ thể người trong rất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nhưng chỉ ở dạng ẩn mình chứ không phát tác gây bệnh, chủ yếu xuất hiện ở phổi. Khi cơ thể suy nhược, vi khuẩn lao có thể phát triển và gây bệnh tại phổi hoặc các cơ quan khác như hạch, xương khớp, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, hệ tiêu hóa,....

Nguyên nhân Chính gây ra bệnh lao tiết niệu là do vi khuẩn lao họ Mycobacterium tuberculosis

Đối với lao tiết niệu, vi khuẩn lao sẽ gây bệnh sau một thời gian dài tiềm ẩn. Ban đầu, vi khuẩn lao sẽ tồn tại ở phần vỏ thận và dần dần xâm nhập vào các tổ chức trong thận. Tiếp đó chúng sẽ di chuyển xuống niệu quản và bàng quang và gây bệnh tại đó, vi khuẩn lao cũng có thể lây lan và gây bệnh đến tuyến tiền liệt, tinh hoàn, ống dẫn tinh ở nam giới hay gây hại ở tử cung và buồng trứng ở nữ giới. Người bệnh cần được điều trị lao tiết niệu càng sớm thì sẽ càng tránh được sự lây nhiễm đến các cơ quan khác trong cơ thể. Để có thể thực hiện được điều này thì việc tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết bệnh từ sớm là rất hữu ích.


Triệu chứng Lao tiết niệu

Mặc dù bệnh nhân bị lao tiết niệu không có những triệu chứng đặc hiệu nên khó phát hiện bệnh từ sớm. Vì vậy, người bệnh cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể, hệ tiết niệu để phát hiện lao sớm. Bệnh lao tiết niệu có triệu chứng khá đa dạng:

  • Rối loạn nước tiểu chính là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lao tiết niệu. Người bệnh thường có dấu hiệu tiểu rắt, tiểu buốt cực kỳ khó chịu. Trong một vài trường hợp bệnh tiến triển nặng thì nước tiểu có thể có mủ hoặc máu.
  • Đau bụng và đau vùng thắt lưng có thể là triệu chứng bệnh lao tiết niệu nhưng người bệnh sẽ khó phân biệt được cơn đau này có phải là do bệnh hoặc do kỳ kinh nguyệt (ở nữ giới).

Đau bụng và đau vùng thắt lưng

  • Sốt nhẹ kéo dài không rõ nguyên nhân kèm theo cảm giác mệt mỏ, chán ăn gầy sút cân, mất ngủ, da xanh nhợt nhạt, suy nhược cơ thể,... Đây là triệu chứng toàn thân có thể gặp ở tất cả các bệnh nhân nhiễm lao dù là lao ở cơ quan nào.
  • Trường hợp bệnh lao tiết niệu - lao sinh dục ở nam giới sẽ khiến phần mào tinh hoàn và tinh hoàn bị đau nhức và có triệu chứng sưng to.
  • Nữ giới bị lao tiết niệu - lao sinh dục sẽ có khả năng bị viêm nhiễm các cơ quan sinh sản như ống dẫn trứng, nội mạc tử cung khiến cho người bệnh bị rối loạn kinh nguyệt, thậm chí chảy dịch, mủ bất thường từ cơ quan sinh dục. Các cơn đau bụng kéo dài, khí hư nhiều, áp xe vòi trứng, cơ thể mệt mỏi kéo dài,...

Các biến chứng Lao tiết niệu

Bệnh nhân bị lao tiết niệu cần được điều trị kịp thời cũng như có phương pháp điều trị phù hợp để tránh những thương tổn nghiêm trọng. Đầu tiên là vấn đề sức khỏe, người bệnh sẽ vô cùng khó chịu trước những tổn thương mà bệnh gây ra. Viêm nhiễm có thể lây lan các cơ quan khác của cơ thể và gây ra những triệu chứng ở các cơ quan này, các chức năng hoạt động ở hệ sinh sản hay bài tiết đều bị rối loạn. Nặng hơn có thể gây hoại tử tổ chức.

Các biến chứng này sẽ có thể gây nên hậu quả vô sinh hoặc suy chức năng các cơ quan bị nhiễm bệnh.


Đường lây truyền Lao tiết niệu

Nhắc đến bệnh lao chắc chắn ai cũng lo sợ không chỉ bởi vì mức độ ảnh hưởng mà bệnh gây ra mà còn do sức lây lan dễ dàng của bệnh. Bệnh lao tiết niệu cũng không ngoại lệ, khả năng lây lan bệnh cũng có thể xuất phát từ lao phổi trước đó qua đường hô hấp. Cụ thể, khi bạn tiếp xúc với những bệnh nhân đang bị lao phổi tiến triển thì đều có khả năng bị lây truyền bệnh. Mặc dù việc lây nhiễm lao trực tiếp qua đường quan hệ tình dục với người mắc lao tiết niệu cũng có khả năng, nhưng không mạnh mẽ bằng lây truyền gián tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc lao phổi tiến triển.

Hầu hết những trường hợp bệnh nhân bị mắc lao tiết niệu đều bắt nguồn từ bệnh lao phổi. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên có liên quan đến lao phổi thì người bệnh cần phải tìm tới các cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bệnh lây lan rộng hơn, gây bệnh lao tiết niệu dẫn tới nguy cơ vô sinh cao.


Đối tượng nguy cơ Lao tiết niệu

Bệnh lao tiết niệu có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào dù đang mắc bệnh lao phổi hay chưa mắc bệnh. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu từ các chuyên gia y tế thì khả năng trẻ em và người cao tuổi ít có nguy cơ mắc bệnh lao tiết niệu hơn mà chủ yếu thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 - 50.

Bên cạnh đó, những nhóm người sau đây còn được xem là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao tiết niệu rất cao:

  • Những người có tiền sử bị lao hoặc đang điều trị lao mạn tính.
  • Những người đang gặp vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là đang mắc các bệnh lý có liên quan đến hệ hô hấp.
  • Những người có hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV)
  • Những đối tượng sống trong môi trường bị ô nhiễm cũng rất dễ bị bệnh lao tiết niệu, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
  • Trường hợp người bệnh đang hồi phục sức khỏe sau ốm đau hoặc những người suy dinh dưỡng có sức khỏe rất kém đều có nguy cơ mắc bệnh lao.

Phòng ngừa Lao tiết niệu

Để phòng ngừa bệnh lao tiết niệu thì cũng đồng nghĩa với việc phòng ngừa các bệnh lao nói chung. Người bệnh cần thực hiện được những việc như sau:

  • Giữ lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và các chất cấm độc hại khác, bảo vệ môi trường sống tránh ô nhiễm, tránh tiếp xúc với các loại khói bụi độc hại và hóa chất.
  • Thực hiện các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với bệnh nhân bị lao, không ăn uống chung, không sử dụng chung đồ đạc, quan hệ tình dục an toàn,...
  • Người chăm sóc bệnh nhân bị bệnh lao cần trang bị đầy đủ vật dụng y tế giúp bảo vệ hệ hô hấp.
  • Phát hiện sớm và điều trị triệt để bệnh lao dù ở bất kỳ cơ quan nào, đồng thời chữa trị dứt điểm các bệnh lý về đường hô hấp.

Giữ lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và các chất cấm độc hại khác


Các biện pháp chẩn đoán Lao tiết niệu

Chẩn đoán xác định:

  • Đầu tiên các bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng trước nhằm phát hiện những triệu chứng bệnh gợi ý bệnh cũng như tình trạng sức khỏe người bệnh hiện tại.
  • Xét nghiệm nước tiểu nhằm kiểm tra AFB. Nước tiểu cần lấy vào buổi sáng và có thể thực hiện xét nghiệm 2 - 3 lần để có được kết quả chính xác nhất. Xét nghiệm tìm AFB trong nước tiểu là một phương pháp phổ biến để chẩn đoán bệnh lao tiết niệu, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào một loại xét nghiệm này sẽ không thể đưa ra kết luận chính xác nhất bởi nhiều trường hợp bác sĩ không tìm thấy AFB trong nước tiểu vì không phải lúc nào thận cũng tiết ra mủ lao..

Xét nghiệm nước tiểu nhằm kiểm tra AFB

  • Chụp X-quang hay CT - Scan hệ tiết niệu là một phương pháp khá quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lao tiết niệu - lao sinh dục. Dựa vào hình ảnh chụp cắt lớp, bác sĩ có thể đánh giá các tổn thương hoặc bất thường hệ tiết niệu, sinh dục. Một số trường hợp người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật ngay khi có dấu hiệu bất thường trên hình ảnh chụp X-quang - CT.
  • Soi bàng quang vẫn cần được thực hiện ngay cả khi đã có kết luận lao thận. Soi bàng quang có thể sẽ tìm ra được các tổn thương viêm loét mà vi khuẩn lao gây ra và xác định bên thận nào bị ảnh hưởng nhiều hơn (tổn thương bàng quang bên nào nhiều hơn thì đồng nghĩa với thận bên đó sẽ bị tổn thương nặng hơn). Ngoài ra, trong quá trình nội soi các bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết vùng tổn thương nhằm chẩn đoán bệnh.
  • Bên cạnh đó, các xét nghiệm nhằm kiểm tra thương tổn lao sinh dục có thể được thực hiện như: Chụp tinh hoàn, chọc dò kết hợp sinh thiết tinh hoàn và mào tinh hoàn, chụp cản quang tử cung và vòi trứng, sinh thiết cổ tử cung và niêm mạc tử cung.

Chẩn đoán phân biệt:

  • Bệnh nhân có nguy cơ bị lao tiết niệu sẽ có các triệu chứng bệnh lý khá giống các bệnh như: Viêm nhiễm khuẩn bàng quang do các vi khuẩn thông thường, sỏi thận niệu quản, viêm hoại tử đài thận, ung thư thận, thận đa nang, viêm đường tiết niệu gây mủ do vi khuẩn thường, viêm cầu thận dạng cấp tính hoặc mạn tính.
  • Trường hợp bệnh nhân bị lao sinh dục sẽ dễ nhầm lẫn với bệnh: Viêm tinh hoàn do vi khuẩn thường gây ra hoặc viêm mào tinh hoàn (ở nam giới), bệnh viêm do tạp trùng hoặc các bệnh ung thư cơ quan sinh sản (ở nữ giới).

Các biện pháp điều trị Lao tiết niệu

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao tiết niệu mức độ nhẹ hoặc trung bình sẽ được điều trị bằng thuốc trong khoảng thời gian ít nhất 9 tháng. Các thuốc chống lao được lựa chọn theo phác đồ của Bộ y tế ban hành dựa trên từng bệnh nhân cụ thể.

Trường hợp bệnh nhân mắc lao tiết niệu mức độ nghiêm trọng hơn cần thực hiện điều trị theo phác đồ có thể kéo dài tới 16 tháng. Các loại thuốc được chỉ định trong giai đoạn tấn công (3 tháng đầu tiên) cho nhóm bệnh nhân này sẽ là streptomycin kết hợp với INH, EMB. Tiếp tục điều trị duy trì trong 13 tháng tiếp theo với thuốc INH, EMB và PZA với liều lượng thấp hơn (3 ngày/tuần).

Nếu bệnh nhân gặp tình trạng bị hẹp niệu quản đài thận thì sẽ cần kết hợp với thuốc Corticoid và một số loại thuốc chống viêm khác cho đến khi ổn định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân không có tiến triển khả quan thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

Người bệnh có thể được bổ sung vitamin B1 và B6 nhằm loại bỏ nguy cơ biến chứng tới hệ thần kinh.

Bác sĩ điều trị có thể sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ quả thận đã bị mất chức năng do lao gây ra. Hầu hết bệnh nhân bị lao tiết niệu chỉ xuất hiện ở 1 bên thận cho nên việc phẫu thuật cắt bỏ 1 bên thận bị bệnh có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Bên cạnh đó, những bệnh nhân lao sinh dục cũng có nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn, mào tinh hoàn, ống tinh, tiền liệt tuyến,...

Đặt lịch phòng khám

Hotline: 0939736608

zalo
zalo